|
Đặng Ngọc Phương Nhi giới thiệu thành quả nghiên cứu
|
Năm nay, Phòng GD&ĐT Huế đứng đầu bảng với 12 đề tài, Trường THPT chuyên Quốc Học có 7 đề tài và là năm đầu tiên ngành giáo dục A Lưới có sản phẩm dự thi…
Các đề tài năm nay được đầu tư công phu, chu đáo. Từ vòng thi thứ nhất, Ban giám khảo (BGK) gồm 32 vị đến từ Đại học Huế trực tiếp phỏng vấn các thí sinh dự thi, thẩm định các thí nghiệm, thực hành và xem xét những sản phẩm được trưng bày tại gian hàng chọn đề tài tốt vào vòng chung khảo, tiếp tục sàng lọc chọn ra những đề tài tốt nhất đi tiếp ở cuộc thi quốc gia. Nhằm khuyến khích phong trào, BGK chọn 42/58 đề tài dự thi để trao giải từ vòng đầu ở các lĩnh vực với 8 giải nhất, 6 giải nhì, 14 giải ba, 14 giải khuyến khích. Sau đó, “gạn đục, khơi trong” dựa trên tiêu chí khoa học chọn 12 đề tài vào vòng chung khảo.
Vào vòng chung khảo là đề tài của học sinh các trường THPT: “Hệ thống thông tin và cảnh báo giao thông bằng sóng điện từ” (Nguyễn Chí Thanh),“Giải pháp cho nhà thông minh điều khiển bằng giọng nói” (Cao Thắng), “Hệ thống phòng chống cháy nổ và xử lý rò rỉ ga” (Phú Bài), “Điều khiển các thiết bị điện bằng điện thoại di động” (Quốc Học), “Hệ thống báo cháy tự động qua Internet” (Phú Bài), “Nghiên cứu cấu tạo và hệ thống hóa từ lồng ghép nhằm phát triển vốn từ vựng cho người học tiếng Anh” (Nguyễn Huệ), “Một số giải pháp nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới thông qua loại hình du lịch ca Huế trên sông Hương” (Quốc Học), “Nghiên cứu sử dụng tảo lam dạng sợi xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình” (Quốc Học), “Nghiên cứu tạo nguồn cơ chất tổng hợp polylactic acid (PLA) từ xơ dừa” (Quốc Học), “Xây dựng hệ thống xử lý sơ bộ nước thải sinh hoạt bằng đất sét, rêu xanh và cát” (THPT A Lưới), “Hệ thống lọc nước trong gia đình từ quả bàng và cùi chuối”(Phan Đăng Lưu) và một đề tài duy nhất của khối trung học cơ sở: “Thiết kế giỏ rác “xanh” xử lý rác thải hữu cơ quy mô hộ gia đình” (Trần Cao Vân).
Là nhóm nghiên cứu duy nhất khối THCS có sản phẩm vào trong, cô học trò xinh xắn Phương Nhi của Trường THCS Trần Cao Vân say sưa giới thiệu với tôi về công trình “giỏ rác xanh” trong buổi khai mạc. Em cho biết, ý tưởng thực hiện đề tài là do khi em cùng phụ làm bếp với mẹ, em luôn thấy việc vứt bỏ rác từ rau xanh, đồ ăn và bao ni lông đã tạo nên một hợp chất khó tiêu hủy. Trong khi đó, muốn trồng cây trong nhà lại phải đi mua phân, đất sạch với giá đắt; gom rác riêng không khó, nhưng giữ cho rác không bốc mùi là vấn đề mà em và nhóm bạn đã mày mò nghiên cứu và đã cho ra đáp số đáng mừng với khả năng ứng dụng cao. Với kết quả của đề tài này, em và các bạn có thể phổ biến để mọi gia đình ở thành phố áp dụng để tạo được đất, phân sạch trồng, chăm cây cảnh, rau xanh đồng thời giảm thiểu số lượng rác phải tiêu thụ mỗi ngày trong thành phố. Đề tài cũng có thể được các hộ gia đình ở nông thôn áp dụng để giữ vệ sinh không gian sống.
Cậu bé Quang Hưng, chủ nhân đề tài “Giải pháp cho nhà thông minh điều khiển bằng giọng nói”, người đã gắn với các kỳ thi NCKH từ những năm học THCS, liên tục giành được nhiều giải cao ở hội thi cấp tỉnh và cấp quốc gia… lần này dễ dàng thuyết phục BGK bởi ý tưởng sáng tạo mạnh bạo và gắn với yêu cầu thực tiễn. Với Quang Hưng, NCKH là một đam mê. Năm nay, em cũng mang về cho Trường THPT Cao Thắng giải nhì… Điều đáng nói là năm đầu tiên “xuất quân” đề tài “Xây dựng hệ thống xử lí sơ bộ nước thải sinh hoạt bằng đất sét, rêu xanh và cát” của nhóm Nguyễn Văn Cường, Trần Lê Quỳnh Nhi Trường THPT A Lưới đã giành giải nhì và là một trong sáu đề tại được lựa chọn để đại diện học sinh Thừa Thiên Huế tham gia cuộc thi này ở cấp quốc gia.
Với 6 đề tài được chọn thi quốc gia, ông Tôn Thất Viễn Tương, Phó Trưởng ban tổ chức cho rằng, đây là một lựa chọn nghiêm túc, bởi các đề tài này đã tiệm cận được mục tiêu của cuộc thi về tính mới, tính cấp thiết…ở mức yêu cầu cao. Cuộc thi không chỉ giúp các em cọ xát kiến thức mà còn giúp các em trau dồi kỹ năng sống, thêm bạn bè và mở ra những ước mơ về một chân trời khát vọng mới.
Theo http://www.baothuathienhue.vn/