Sự thông minh và tính cách là mục tiêu thật sự của giáo dục''

Ngày 05 tháng 02 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Tin tức

Tin tức

Cập nhật lúc : 09:36 24/12/2019  

CHUYẾN TRẢI NGHIỆM Ý NGHĨA CỦA HỌC SINH KHỐI 9

Chuyến trải nghiệm đầy cảm xúc nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 

Chiều Đông xứ Huế, một ngày cuối tuần.

Thực hiện kế hoạch năm học và nhằm xây dựng cho học sinh một ngày đầy kỷ niệm, một ngày ý nghĩa; Bên cạnh đó để rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung thêm kiến thức lịch sử, hiểu biết về quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc ta nói chung và của Tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, chiều 14/12/2019 vừa qua Tổ Sử - Địa - GDCD  trường THCS Trần Cao Vân  đã tổ chức buổi trải nghiệm thực tế cho học sinh lớp 9 tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm và Trung tâm Văn hóa Huyền Trân nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Qủa là thiên nhiên cũng muốn thử thách lòng người, buổi sáng sớm trời lạnh giá kèm theo đặc sản mưa dầm xứ Huế, lẽ nào những kế hoạch, dự định, sự háo hức của thầy cô và trò phải hoãn lại. Nhưng ông trời đã ưu ái, bầu trời trong xanh, quang mây, tạnh ráo, gió thổi nhè nhẹ chút se lạnh, đúng 14h những chuyến xe lăn bánh đưa học sinh và thầy cô chúng tôi đến địa điểm trải nghiệm đầu tiên.

Sau hành trình 30p xe dừng lại khu di tích lịch sử Chín Hầm, thầy cô cùng các em xếp hàng ngay ngắn lần lượt thắp nén nhang tại Tổ quốc Ghi Công- nơi ghi nhớ và tưởng niệm liệt sĩ đã hi sinh tại đây đấy. Đoàn tham quan tiếp tục được cô hướng dẫn viên giới thiệu về khu di tích. Khu di tích lịch sử Chín Hầm thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), thành phố Huế. Thực hiện chính sách bạo tàn của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn với vai trò “Chúa tể miền Trung” đã cải tạo Chín Hầm trở thành những chuồng cọp giam giữ các chiến sĩ cách mạng, những người tham gia phong trào yêu nước. Chúng tôi đi theo con đường nhỏ lên xuống theo những bậc thang, len lỏi giữa ngọn đồi thông xanh mướt đến tìm hiểu từng dấu tích của hệ thống nhà giam. Nhà tù Chín Hầm gồm có tất cả 9 căn hầm, mỗi hầm ngăn thành 2 dãy xà lim chuồng cọp ở 2 bên, mỗi bên có khoảng 10 “chuồng”. Tất cả các em học sinh dường như lặng người, vừa ngạc nhiên, thảng thốt khi chứng kiến những hình ảnh được phục dựng lại trong căn hầm số 8. Đó là những người chiến sĩ bị nhốt trong “chuồng cọp” được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt sắt, mỗi hầm có duy nhất một lỗ thông hơi nhỏ, sâu hun hút, cả đêm lẫn ngày đều đen tối. Các căn hầm này khi trời mưa, nước ngập đến thắt lưng; ngày nắng, nóng hầm hập như trong lò than; trời rét, lạnh cắt da cắt thịt. Ngoài những đòn tra tấn, người bị giam sống chung với chuột, dòi, muỗi... mỗi ngày chỉ được hai bữa cơm sống trộn với máu tanh mùi thịt rữa hoặc thêm cọng rau muống già. Qủa thực đây chính là “ địa ngục trần gian”.

Rời căn hầm số 8, mọi sự thảng thốt chưa rời khỏi ánh mắt và các em đã hỏi:  cô ơi sao họ lại có thể tra tấn dã man thế? vì sao các chú ấy có thể chịu đựng giỏi thế?... Chỉ cần thông qua những hình ảnh được phụng dựng ấy đã đủ cho các em hiểu về những tội ác của kẻ thù và sự kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Các em đã chăm chú ghi chép theo lời cô hướng dẫn viên, chụp lại những bức ảnh làm tư liệu và tiếp tục hành trình qua những căn hầm còn lại.

 Sau 1 tiếng đồng hồ tham quan tại Chín Hầm để lại nhiều cảm xúc, chúng tôi tiếp tục di chuyển tới điểm thứ hai  - Trung tâm Văn hóa Huyền Trân - vị Công Chúa với cuộc đời nhiều biến động và đã đóng góp trong công cuộc mở mang bờ cõi của dân tộc Việt Nam. Công lao của Huyền Trân Công Chúa đối với đất nước không gì sánh bằng. Bà có một vị trí rất đặc biệt trong lòng người dân xứ Huế, có thể nói là một niềm tri ân, bởi nhờ có bà mà nước Việt mới có vùng non nước Hương Bình thơ mộng ngày nay. Ghi nhận công lao của một người có công mở mang bờ cõi cho dân tộc, nhân kỷ niệm 700 năm mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, năm 2006, đền thờ Huyền Trân Công Chúa được xây dựng.

Cảm nhận đầu tiên của học sinh và thầy cô giáo khi đặt chân tới đây là một không gian tĩnh lặng, an nhiên hòa lẫn trong rừng thông bát ngát, trong miền thanh tịnh của tiếng tụng kinh, gõ mõ. Bên trong điện thờ là pho tượng Công Chúa Huyền Trân ngồi trên ngai với khuôn mặt phúc hậu, dáng vẻ uy nghiêm truyền tải vẻ đẹp chiều sâu tâm hồn của con người Việt. Khuôn viên phía sau điện thờ là lầu bát giác dựng tượng ni sư Hương Tràng (pháp danh của Huyền Trân Công Chúa). Tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa Huyền Trân còn có nhiều công trình kiến trúc khác, như là: Tháp chuông Hòa Bình do những nghệ nhân phường Đúc chế tác. Tiếng chuông ngân lên như lan toả vào cõi nhân gian tĩnh lặng mang lại cho con người những phút giây thư thái và bình yên. Trời đã về chiều tà, dù có chút mệt nhưng các em ai ai cũng háo hức vẫn sẵn sàng bước lên 246 bậc cấp để chinh phục đỉnh núi Ngũ Phong và tháp chuông Hòa Bình, học sinh nào cũng muốn tự mình gióng lên những hồi chuông vang vọng cầu mong sự bình an và may mắn. Sau khi đã được hướng dẫn viên giới thiệu, các em tham gia trả lời các câu hỏi sau buổi tham quan. Thật bất ngờ chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ các em có thể ghi nhớ rất nhanh, với tinh thần vô cùng sôi nổi thi nhau trả lời các câu hỏi, sau mỗi câu trả lời đúng gương mặt các em nở những nụ cười như đã chinh phục được một đỉnh cao kiến thức.Trời đã về chiều, tất cả thầy cô giáo và học sinh khối 9 trường THCS Trần Cao Vân lên xe trở về, có lẽ đó là một buổi chiều dù mệt nhưng đã đọng lại nhiều cảm xúc bùi ngùi, xúc động…Chỉ mong có thời gian thật nhiều hơn nữa, nhiều hoạt động trải nghiệm như thế để các em có thể vừa chơi vừa học.

 Sau chuyến đi tham quan di tích Chín Hầm và đền Huyền Trân công chúa giúp các em thấy được tinh thần yêu nước bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Biết được đức hi sinh của nàng Công Chúa đất Việt  đóng góp công lao trong việc mở mang bờ cõi đất nước. Cũng qua đó đã vun đắp thêm cho học sinh tình yêu môn Lịch sử. Quan trọng nhất là từ đó học sinh biết nuôi dưỡng, trau dồi đạo đức, lòng biết ơn, biết chia sẻ và vị tha. Trở thành một người con ngoan, từng bước trưởng thành trong ý thức và mọi mặt. Thấy được trách nhiệm lớn lao của bản thân các em luôn luôn nỗ lực học tập để sau này trở thành con người có ích cho gia đình và xã hội.

Hoạt động trải nghiệm còn mang đến nhiều bổ ích cho giáo viên. Giúp giáo viên bộ môn nói chung và giáo viên Lịch sử nói riêng hiểu rõ hơn về lịch sử của địa phương và dân tộc. Từ đó luôn ý thức bản thân trau dồi kiến thức để trở thành đầu tàu dẫn dắt học sinh tìm hiểu những tri thức lịch sử quê hương, đất nước. Giáo viên trở thành người truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu cho học sinh - tình yêu giữa con người, gia đình, quê hương thông qua môn học Lịch sử. Qua đó gìn giữ được những giá trị, bản sắc của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài và ảnh: Tổ Sử - Địa - Công Dân

Số lượt xem : 214

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác