55 câu chuyện giáo dục: Câu chuyện thứ mười một
Cập nhật lúc : 13:27 11/11/2013
TTCN - Nhiều lần trong năm, thầy có phần thưởng tặng các học sinh có hạnh kiểm tốt, có thành tích học tập tốt và có hành động đáng biểu dương. Tuy nhiên, nếu học sinh nào hỏi xin phần thưởng thì không bao giờ thầy cho.
Hỏi xem mình có được tặng thưởng vì đã có hạnh kiểm tốt không thì quả là một điều khiếm nhã. Ta luôn cố gắng trở nên tốt bởi vì ta mong muốn bản thân ngày càng hoàn thiện hơn chứ không phải vì nghĩ sẽ được tặng thưởng. Thầy thường có một hình thức khen thưởng nào đó cho những học sinh được điểm 10 khi thi kiểm tra. Nếu học sinh nào giành được điểm 10 và hỏi liệu em có nhận được cái gì không thì em ấy sẽ không nhận được gì cả.
Trong đời thường, khen thưởng không phải luôn được trao cho những ai đã làm tốt công việc của mình. Mọi người làm tốt công việc của mình là bởi vì họ cảm thấy tự hào khi hoàn thành công việc ấy, họ yêu mến những gì họ đã làm và/hay họ không muốn bị đuổi việc.
Dù vậy, thầy vẫn thường xuyên khen thưởng các học sinh của thầy, nhưng thầy biết rằng thầy phải chuẩn bị cho chúng bước vào trường đời sau khi rời ghế nhà trường. Thầy cố giúp các học sinh thực hành và nhận thức được rằng mình làm tốt không phải vì phần thưởng mà là vì chính mình, và đó mới là điều quan trọng.
Thầy cũng hay xé rào khi tặng thưởng các học sinh của thầy và khen ngợi chúng vì đã làm tốt việc gì, nhưng điều này cũng chỉ dừng lại ở mức thầy cảm thấy trẻ hài lòng với những gì mà thầy cho chúng, chứ chưa đến mức chúng thắc mắc “Chúng em sẽ nhận được cái gì tiếp theo đây?”. Khi thầy trả lại bài cho cả lớp, một bạn nữ có điểm cao nhất lớp nói:. “Thưa thầy, em sẽ nhận được cái gì đây?”.
Từ lúc ấy, thầy thấy cần chấm dứt ngay mọi thứ thắc mắc tương tự. Thầy muốn cả lớp hiểu rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào học sinh cũng không được hỏi thầy rằng chúng em có được nhận quà không, hay chúng em có được nhận loại quà gì.
Học sinh có thể còn có chút hám lợi trong lòng nhưng phải làm sao để cho hành động của chúng không phản ánh điều đó. Nhiều lần, thầy hi vọng việc học cách đón nhận cái mà người khác bất ngờ đem đến hay được người khác khen tặng sẽ làm mất đi và làm thay đổi thái độ ứng xử của chúng đối với những lợi lộc có được từ một thành tích cá nhân nào đó.
Mặc dù thầy đã nói với các học sinh về qui tắc này, nhưng đôi khi biểu hiện này cũng vẫn còn xuất hiện. Một lần thầy thức trễ để làm bánh sôcôla cho đám trẻ sau khi làm xong kiểm tra môn lịch sử về chiến tranh cách mạng. Sau khi học sinh đã nộp xong bài, một bạn hỏi: “Thưa thầy, chúng em sẽ nhận được gì đây khi đã làm được bài kiểm tra?”.
Cả lớp im phăng phắc. Bao đôi mắt mở to sửng sốt. Đôi mắt của thầy mở to nhất. Thầy giận tái người vì đã thức đêm thức hôm để làm những cái bánh chết tiệt này!... Đúng, nhưng thầy biết rằng không thể đem phát cho học sinh một khi bạn ấy đã hỏi. Nếu thầy làm thế thì thầy đã nuốt lời và quên mất qui tắc đã đưa ra.
Thầy chỉ nói ngắn gọn: “Thầy đã tự làm những cái bánh này cho các em - thầy ngừng lại và cân nhắc từng lời - nhưng một khi các em hỏi thầy thì không ai nhận được gì cả”. Nói rồi thầy bước ra khỏi lớp và đem những cái bánh cho cô giáo lớp bên cạnh để chia cho học sinh của lớp cô. Không một em học sinh nào trong lớp ấy hỏi thầy phần thưởng kế tiếp là gì.
Đúng là một bài học khó... học, nhưng nếu nó giúp trẻ biết cách đánh giá đúng những nỗ lực của chúng cao hơn là những phần quà thì bài học ấy cũng đáng để học lắm.
Bản quyền thuộc Trường THCS Trần Cao Vân
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thcs-tcvan.tphue.thuathienhue.edu.vn/