In trang

55 câu chuyện giáo dục: Câu chuyện thứ mười
Cập nhật lúc : 23:14 09/11/2013
TTCN - Thỉnh thoảng ta có thể cho học sinh chấm bài của nhau một cách tập thể. Khi chấm bài của những học sinh khác, nếu em cho ai đó một điểm số không chính xác, có khi là cao hơn hoặc thấp hơn mức mà bạn đó xứng đáng được hưởng, thì phần điểm do chênh lệch ấy sẽ bị khấu trừ vào số điểm trong bài của em.

      Ký hiệu duy nhất em được phép ghi trên bài của các bạn khác là dấu X và tổng số những dấu X ấy là số câu trả lời sai.
     Là người lớn, chúng ta luôn ở vào tình huống phải xem xét những thành quả của người khác và đưa ra những nhận xét đánh giá. Chúng ta thường xuyên phải làm việc này trong công việc của mình như khi phỏng vấn các ứng viên, đánh giá các đồng nghiệp hay chọn những đối tác thương mại... Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều từ chính bản thân mình và từ trình độ tiếp thu và vận dụng mà chúng ta có thể mong đợi khi quan sát cách làm của những đồng sự.
      Thế nhưng, đánh giá người khác và để cho họ biết nhận định của ta về những khả năng của họ có thể là một việc rất… thách thức, bởi vì ta phải rất tự tin khi làm điều ấy. Ta phải cảm thấy rất vững vàng về cái mà ta đã làm trước khi có thể nói với những người khác thế nào là đúng, là sai trong những điều họ làm.
      Dạy cho học sinh đánh giá công việc của các bạn đồng trang lứa với mình trong lớp học, và giúp các em thực hành những kỹ thuật đưa ra phản hồi chính là chuẩn bị cho các em làm những việc mà chúng sẽ phải đương đầu sau này trong cuộc sống.
      Đáng tiếc là hệ thống giáo dục trong nhà trường lại không cho phép học sinh chấm bài của nhau bởi vì đó có thể là một sự khó xử về mặt xã hội đối với những học sinh làm tốt việc này. Thầy đồng ý với sự khó xử ấy nếu như việc làm này không được thực hiện dưới một sự giám sát đúng đắn và trong một không khí thân tình của lớp.
      Tuy nhiên, như thầy đã từng nói, nếu chúng ta biết tạo nên một không khí hỗ trợ trong đó mỗi học sinh đều cảm thấy thoải mái với việc biết rõ điểm số của nhau, hơn nữa việc chia sẻ điểm số này có thể có ích theo hướng là một động lực thúc đẩy nhau cùng tiến bộ.
      Trước tiên, việc để cho học sinh chấm bài của nhau có thể cung cấp một sự phản hồi nhanh chóng cho người thầy. Vấn đề chính ở đây là tình cảm của học sinh có thể bị tổn thương. Bởi vậy, thầy thường yêu cầu học sinh không ghi tên mình trên bài làm. Sau khi dạy xong một bài, thầy yêu cầu mỗi học sinh lấy một mảnh giấy trắng để trả lời 5-10 câu hỏi xung quanh nội dung bài vừa học, rồi nộp cho thầy.
      Thầy đảo các bài và phát lại cho học sinh. Làm cách này không em nào biết bài mình nhận được là của ai. Thầy đọc câu trả lời rồi yêu cầu học sinh giơ tay cho biết những bài trả lời đúng hết các câu hỏi của thầy. Lần lượt các em học sinh lại giơ tay đối với những bài trả lời sai một câu, rồi hai câu và cứ thế cho đến hết.
      Kết quả này giúp thầy biết ngay và chính xác mức độ học sinh tiếp thu bài học mà thầy vừa dạy. Làm cách này vừa đạt được mục tiêu lại vừa không gây khó xử cho học sinh nào. Nhiều lần, khi không có học sinh nào ghi tên mình trên bài làm, thầy chỉ cần thu các bài lại và bỏ đi. Chẳng cần phải lưu giữ những bài làm này vì thầy đã có được sự phản hồi mà thầy cần có.
      Tuy nhiên, nhiều khi thầy muốn có một ý niệm rõ hơn xem mỗi học sinh đã làm như thế nào thì thầy yêu cầu học sinh ghi tên mình trên bài làm. Sau khi chấm bài xong, thầy yêu cầu học sinh kiểm soát lại bài mà mình đã chấm bằng cách giơ tay cho biết số câu hỏi bỏ trống không làm được trước khi nộp lại bài cho thầy. Điều này tránh cho học sinh khỏi phải xấu hổ khi phải giơ tay cho biết em đang giữ một bài có điểm số thấp.
Đôi khi thầy lại cho các học sinh đang giữ những bài có điểm số cao đọc tên những học sinh đã làm bài tốt.
      Trước khi cho cả lớp chấm điểm trên những bài làm có ghi tên cụ thể, có hai việc cần được thảo luận kỹ:
          
1. Nói cho học sinh biết lúc nào cũng cần phải tôn trọng sự riêng tư khi chấm bài của người khác. Nói cho học sinh biết các em không được bình luận về điểm số của học sinh khác với chính học sinh ấy hay với bất cứ học sinh nào trong lớp.
          
2. Khi chấm điểm, học sinh chỉ có việc đánh dấu X đối với những câu trả lời sai và ghi tổng số những câu trả lời sai trên đầu giấy làm bài. Điều này rất quan trọng bởi nếu không sẽ có một số học sinh tùy tiện ghi trên tờ giấy những câu “tùy bút” linh tinh. Chuyện này đã xảy ra trên nhiều bài làm của học sinh trong thời gian qua mà thầy ghi nhận thấy.
      Việc hạn chế học sinh có thể ghi “cảm tưởng”, “cảm nghĩ” của mình trên bài làm của học sinh khác sẽ còn là cách không cho học sinh thay câu trả lời khác để giúp bạn mình. Nếu thấy học sinh sửa câu trả lời và viết gì trên đó thì ta biết ngay rằng đã có một điều gì đó xảy ra, bởi không có lý do gì để học sinh viết trên đó ngoại trừ là đánh các dấu X.

K.T.